Trước khi đi vào phần chính thì mình xin chia sẻ một chút, mình đã move toàn bộ bài viết từ trang blog tiếng anh cũ mình viết các đây cũng gần 10 năm là Effortless English Sharing sang blog này. Những kinh nghiệm học tiếng anh trong đây có thể đã outdate và hồi đó là thời điểm mình mới ra trường nên giọng văn mình chắc cũng khá trẻ trâu, nhưng mình tin rằng những kinh nghiệm và bài học mình rút ra có lẽ vẫn còn nguyên giá trị. Sau nhiều năm thì mình sẽ quay lại chia sẻ kinh nghiệm học tiếng anh của mình với bài viết về những sai lầm khi học tiếng Anh.
Ở cuối bài mình sẽ share một bài học trong khóa VIP của thầy AJ Hoge nhé. Chủ đề là về Productivity. Mình thấy đây là một chủ đề rất hay, nhất là giờ mình cũng đã có gia đình và con nhỏ, mọi thứ mình làm hàng ngày phải thực sự tối ưu. Bài học này các bạn search trên Google giờ sẽ không có đâu. Vậy nên down về và have fun nhé.
Bài viết của mình lần này sẽ chia làm hai phần.
- Những sai lầm khi học Tiếng Anh – Phần 1
- Những sai lầm khi học Tiếng Anh – Phần 2
Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số điểm mọi người cần lưu ý trước khi bắt đầu học để quá trình học được hiệu quả hơn. Trước khi chia sẻ thì mình muốn nhấn mạnh một điều rằng mình không phải dân chuyên Anh, và hồi cấp 3 mình thuộc hàng dốt đặc, và toàn phải đi chép bài bạn mới đủ 5 phẩy.
Mình biết nhiều người như mình, và những người như mình thường tự nhận mình không có “khiếu” học tiếng anh. Thực tế đến lên đại học thì mình mới học lại tiếng anh từ con số 0 (hơi quá, có lẽ là số 1), và cũng trong 4 năm đại học là mình bứt phá rất nhiều. Những ai có “khiếu” học tiếng anh có lẽ học tiếng anh khá mượt, còn những người như mình thì không hiểu tại sao lại tải mãi không vào. Trong bài viết này, mình sẽ nói về một số sai lầm của các bạn và cách để tránh phạm phải nhằm giúp các bạn học Tiếng Anh dễ dàng hơn.
Nếu bạn tra Google về các sai lầm trong khi học tiếng anh thì trên mạng thì sẽ ra rất nhiều kết quả. Phần lớn nói về những sai lầm cụ thể khi bạn học Tiếng Anh. Trong bài viết này, mình muốn mọi người thay đổi tư tưởng trước khi bắt tay vào học. Đây là những kinh nghiệm mình rút ra trong qua trình học, hy vọng nó giúp bạn đi đúng hướng, rút ngắn thời gian, tập trung vào những thứ mình cần. Bởi mình biết, thời gian là vô cùng quý giá, những ai đi làm, thậm chí có gia đình sẽ hiểu điều này hơn nữa.
Lưu ý nhỏ là nói về tiếng anh thì nhiều vấn đề để bàn vô cùng, mình thì không phải xuất sắc, vậy nên những kinh nghiệm học Tiếng Anh mình viết chủ yếu dành cho những người không có “khiếu” như mình, hay là có định hướng học để đi làm, học để sử dụng được tiếng anh chứ không phải luyện bài tập để đi thi. Đặc biệt, mình chia sẻ cho những ai có quỹ thời gian vô cùng hạn hẹp.
Xem chia sẻ kinh nghiệm học quá nhiều
Cái này không phải ai cũng gặp phải, nhưng cá nhân mình thấy thì rất nhiều. Nhiều bạn rất hay dành thời gian để tìm hiểu về các kinh nghiệm học, nghiền ngẫm các phương pháp này phương pháp nọ. Sẽ chẳng sai khi bạn tìm hiểu kinh nghiệm học của những người giỏi, nhưng bạn sẽ học được gì khi nay thì vào blog này đọc những kinh nghiệm, mai bạn một blog kia để xem phương pháp. Trong khi việc cần làm là bạn phải cầm trong tay quyển sách Tiếng Anh hay là xem một clip dạy về phát âm.
Nói về clip dạy Tiếng Anh thì không phải clip nào cũng tốt. Mình biết có nhiều người rất giỏi Tiếng Anh và làm clip dạy Tiếng Anh, nhưng nội dung trong clip thì theo thiên hướng Vlog. Có nhiều clip mang tính giải trí hơn là truyền đạt kiến thức, một số thì cũng là chia sẻ kinh nghiệm học, nếu bạn xem quá nhiều thì bạn lại xa rời việc học thực sự.
Một vấn đề nhức nhối trong thời buổi thông tin hiện nay đó là các bạn có thể dễ dàng download về rất nhiều tài liệu và giáo trình. Có những bạn có đến vài GB tài liệu, video dạy học. Hồi sinh viên mình cũng từng tải về rất nhiều tài liệu Tiếng Anh lẫn tài liệu chuyên ngành, và cất giữ trong ổ cứng tạo cảm giác yên tâm. Nhưng thực tế mình đã chẳng bao giờ mở ra đọc cả. “Có quá nhiều tài liệu tức là có quá ít thông tin”, đây là câu nói của một thầy mình vẫn nhớ như in hồi học đại học.
Giải pháp: Các bạn chỉ nên xem một vài kinh nghiệm của người đi trước, sau đó kiên trì áp dụng để đi đến đích. Bản thân khi các bạn học thì sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho mình. Trong các bài viết trước thì mình có chia sẻ về phương pháp Effortless English, dự định mình sẽ viết thêm bài để chia sẻ thêm hai phương pháp học nữa. Và thực tế mình cũng chỉ làm kết hợp 3 phương pháp và theo nó đến cùng. Đó là Effortless English, Movie Technique và Dictation Còn về mấy GB tài liệu, thực tế, bạn nên xóa hết đi, để lại 1 quyển để bắt đầu, khi học hết thì hãy học sang quyển khác.
Học Tiếng Anh như học Toán
Đây có lẽ là vấn đề mình và rất nhiều người “không có khiếu” Tiếng Anh mắc phải khiến cho mình phải vật lộn rất nhiều trong những năm tháng học phổ thông. Xung quanh một số bạn bè mình học Tiếng Anh khá nhẹ nhàng và đạt điểm cao thì một số khác dường như không thể tải nổi cái môn này. Cá nhân mình thấy có vẻ những ai có tư duy logic và giỏi toán thường hay gặp phải hơn, tất nhiên không phải tất cả.
Nhiều người nghĩ tiếng Anh giống Toán, đây điểm là mấu chốt gây nên sai lầm khi học tiếng anh, cái tư duy này được hình thành có lẽ hồi học sinh, mình chủ yếu học ngữ pháp, phân tích rất sâu về ngữ pháp, với những công thức như là
- Câu điều kiện loại 1: If + thì hiện tại đơn, will + động từ nguyên mẫu
- Câu điều kiện loại 2: If + thì quá khứ đơn, would + động từ nguyên mẫu
- Câu điều kiện loại 3: If + thì quá khứ hoàn thành, would + have + V3/V-ed
Cộng thêm các bài kiểm tra mà để làm được thì phải thuộc các công thức, rồi phải sử dụng cho chính xác tuyệt đối để có thể được điểm, điều này khiến mọi người mang logic vào việc học ngôn ngữ. Và cái mình choáng ngợp đó là với toán thì học một vài công thức ta giải được trăm bài toán, còn 3 cái công thức như trên chỉ để giải được 3 cái câu trong bài kiểm tra. Và tiếng anh thì vô vàn công thức câu, rồi công thức dạng từ, nhìn vào đã đủ hoa mắt.
Một điều nữa mà một người thiên về tư duy logic thì thường khi tìm hiểu một công thức hay một quy luật, thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu đào sâu vấn đề trong một khoảng thời gian, và khi nắm được thì vấn đề sẽ được giải quyết. Còn Tiếng Anh thì thường phải trải qua thời gian thì mới dần hiểu. Ví dụ với một công thức toán học, mình đào sâu suy nghĩ để hiểu và vận dụng thành thạo có khi chỉ mất 1 2 ngày. Từ đó mình áp dụng, hoặc học thêm cái mới dựa trên cái cũ.
Tiếng Anh thì không như vậy, hãy thử với thì hiện tại hoàn thành. Lý thuyết là đây: Thì Hiện Tại Hoàn Thành nói chung là được sử dụng để nói về những hành động xảy ra trong quá khứ và vẫn còn diễn ra ở hiện tại hoặc có liên hệ hay ảnh hưởng đến hiện tại. Với công thức như sau: S + have/has + PII có thể có since hoặc for.
Thực sự đọc lý thuyết kia mà hiểu được thì chết liền, một cái “thì” diễn tả sắc thái mà không có cái tương ứng trong tiếng Việt, rồi thì hiện tại mà lại nói về hành động xảy ra trong quá khứ. Quá nhiều thứ điên đầu, ai mà đọc hiểu được cái lý thuyết kia có lẽ là thiên tài. Chưa kể đến khả năng vận dụng trong thực tế. Mình ngày trước làm bài kiểm tra chỉ rình có since hoặc for để chia động từ ăn điểm, nhưng để áp dụng trong giao tiếp thì chắc chắc không phải ai cũng làm được. Việc bạn tìm cách tư duy logic hay đào sâu suy nghĩ chỉ khiến mọi thứ thêm rắc rồi.
Trên thực tế, mình đã phải trải qua quá trình luyện nghe, kết hợp xem phim rất nhiều mới dần hiểu được ý nghĩa, mục đích của thì này, và dần biết khi nào thì sử dụng chúng một cách thực thụ hơn là cái dấu hiệu nhận biết since, for.
Bài học rút ra: Đừng nghĩ Tiếng Anh là toán mà hãy nghĩ nó là môn văn (mà thực sự nó là văn). Đừng tư duy quá sâu cho mỗi công thức, cũng đừng quá hoảng loạn khi thấy có quá nhiều, hãy sử dụng trí nhớ cơ bắp, học ngôn ngữ thực chất là học thuộc lòng, chỉ có dành thời gian tiếp xúc nhiều và liên tục thì bạn sẽ nhơ dần thôi. Còn nếu bạn thấy công thức khó hiểu hay khó vận dụng, đó là chuyện bình thường, đừng tư duy nhiều, hãy suy nghĩ chút về văn cảnh sử dụng, rồi bỏ qua học sang phần khác, sau này gặp lại thì ở một văn cảnh khác, rồi lần khác nữa bạn dần dần sẽ hiểu cách sử dụng.
Sẽ không giống toán, bạn tư duy, bạn hiểu, bạn bước sang một trang mới ngay lập tức, ở đây quá trình tiến bộ sẽ diễn ra rất từ từ đôi khi bạn không nhận ra. Hãy chăm chỉ học, rồi bạn sẽ tiến bộ.
Kết luận
Vậy là trong phần đầu tiên mình đã nói tới hai vấn đề mà người học Tiếng Anh thường hay gặp phải. Hãy thay đổi tư duy một chút, các bạn sẽ thấy việc học Tiếng Anh dễ dàng hơn rất nhiều. Trong bài viết tiếp theo, mình sẽ tiếp tục chia sẻ những sai lầm mà mọi người hay mắc phải trong quá trình học. Hẹn gặp các bạn ở bài viết tiếp theo.