Những sai lầm khi học Tiếng Anh (phần 2)

Xin chào các bạn, trong phần tiếp theo này mình sẽ tiếp tục chia sẻ những sai lầm hay gặp khi học Tiếng Anh mà nhiều người gặp phải. À mà ở cuối bài viết này, mình lại chia sẻ các bạn một bài học trong bộ VIP của thấy AJ Hoge nhé. Hiện bài học này các bạn cũng không tìm thấy trên mạng đâu.

Học quá khó so với nhu cầu

Một trong những kinh nghiệm học Tiếng Anh của mình, đó là học tập trung vào những gì cơ bản nhất. Mình biết rất nhiều người mơ ước TOEIC này IELTS kia, rồi muốn được mấy chấm IELTS. Việc mong muốn giỏi Tiếng Anh như vậy không phải là sai, nhưng các bạn cần phải hiểu hoàn cảnh mỗi người là khác nhau và nhu cầu cũng rất khác. IELTS vốn dùng để đi du học, đặc biệt là bài thi Academic thì khá khó ngay cả với người bản xứ với nhiều từ mang tính học thuật cao.

Nhưng phần lớn chúng ta không cần đến như vậy. Mình thấy xung quanh mình, chủ yếu mọi người đều muốn có thể nói Tiếng Anh lưu loát và giao tiếp tự tin với người nước ngoài. Như vậy thì không cần đến IELTS, thậm chí không cần cả TOEIC, cái mọi người cần là tập trung vào Tiếng Anh cơ bản.

Mình biết khi nói tới Tiếng Anh cơ bản, nhiều bạn sẽ thấy nó rất dễ, bài kiểm tra làm vèo vèo, nhiều bạn có thể nghe cũng thấy dễ. Nhưng hãy nghĩ sâu hơn, dù là nghe cơ bản liệu thực sự bạn có nghe được 100% và dễ dàng như nghe Tiếng Việt, hay chỉ bắt keyword và hiểu nội dung.

Nhiều bạn nghe dễ dàng rồi thì đến lúc nói vẫn như gà mắc tóc. Trôi trảy cũng chưa được chứ chưa nói đến có thể đúng ngữ điệu, đúng ngữ pháp. Ví dụ một câu như sau: I went to the store yesterday. Đó alf một câu vô cùng đơn giản. Nhiều người thấy mình nghe được dễ dàng, làm bài kiểm tra chia động từ vô cùng chính xác. Nhưng khi vào một cuộc hội thoại, khi mình phải vừa nghe vừa nghĩ nội dung để nói, các bạn sẽ bị cuốn đi theo cuộc hội thoại mà không thể có thời gian suy nghĩ về ngữ pháp, nhiều bạn vẫn sẽ nói: I go ….. to the ….. store….. yesterday. Nói sẽ không trôi chảy khi bạn đọc hoặc làm ngữ pháp mà bị ngắt quãng.

Giải pháp: Đừng học khó nữa, hãy tập trung tập nghe tập nói Tiếng Anh cơ bản. Tập nghe đi nghe lại, tập nói đi nói lại những câu nói cơ bản để nó trở thành bản năng. Giống như kiểu tập ném bóng rổ, ta phải tập đi tập lại động tác cơ bản dù sau ta có tập thêm nhưng động tác nâng cao thì động tác cơ bản vẫn phải tập hàng ngày. Hãy nghĩ tới Tiếng Việt, dù có là giáo sư ngôn ngữ học, những câu nói đơn giản vẫn được sử dụng hàng ngày, nhờ đó ta mới nói Tiếng Việt thành thạo. Đó mới là cách một ngôn ngữ hoạt động.

Tắm ngôn ngữ

Đây chắc chắn là một phương pháp mà rất rất nhiều người áp dụng. Nhiều bạn nghĩ rằng tạo ra một “không khí” Tiếng Anh xung quanh bằng cách bật ti vi một kênh nào đó như CNN hay BBC trong lúc dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, thậm chí đọc truyện, lướt web; hay là đeo tai nghe trong lúc ngủ và nghĩ rằng tiếng Anh sẽ ngấm vào não trong lúc ngủ thì rất tiếc bạn đã sai lầm. Đây cũng là cách mình cũng từng làm hồi sinh viên. Thực sự nếu thời gian có quay trở lại, mình sẽ không tốn thời gian cho việc này nữa.

Sự thực là bạn chả học được gì nếu trí não không tập trung. Bạn nghe như vậy không khác gì nghe tiếng suối chảy bên tai, hay nói cách khác là nước đổ lá khoai. Khi bạn hoàn toàn để trí não ra ngoài như vậy, thi thoảng bạn nghe 1 từ here 2 từ there, thì thật sự bạn đang lãng phí thời gian của mình. Hãy nghĩ tới vận động viên bóng rổ, họ tập luyện từng cú ném với sự tập trung cao độ, cú ném sau rút kinh nghiệm cú ném trước thì mới có thể thành công. Nếu họ tập mà cứ hời hợt thì liệu họ có thể tiến bộ không?

Giải pháp: Đừng tắm ngôn ngữ nữa, 20 phút nghe tập trung toàn bộ tinh thần và tâm trí sẽ tốt hơn rất nhiều so với 2 tiếng chỉ bật ti vi lên và nghe như gió thoảng mây trôi.

Bạn sẽ không thể tiến bộ nếu nghe quá khó, ví dụ CNN đòi hỏi bạn ngoài vốn từ rộng lớn thì còn phải có tư duy phản xạ Tiếng Anh tốt mới có thể bắt kịp tốc độ nói.

Và còn một điều nữa mình muốn nói gần tương tự với điều ở trên. Đó là nếu bạn nghe Tiếng Anh quá khó so với trình độ của mình, nó cũng như bạn đang tắm ngôn ngữ. Vậy bạn nên nghe những thứ bạn hiểu bao nhiêu phần trăm là tốt? Với mình thì là 100%. Vâng mình không nói lầm đâu, 100%. Hoặc chí ít là 96,69% rồi phần còn lại tự suy ra được để hiểu 100%. Nếu khó quá bạn hãy chọn những tài liệu nghe dễ hơn. Nếu dễ hơn chưa nghe được thì hãy xem text. Hãy chọn những đoạn video có text đi kèm, khi nghe không hiểu hãy xem text rồi tra từ, sau đó lại tiếp tục nghe lại, đến khi hiểu 100% hãy nhảy sang đoạn khác. Như thế bạn mới thực sự khai thác hết 100% những gì bạn nghe. Học như thế tuy chậm nhưng sẽ rất nhanh tiến bộ.

Nôn nóng tiến bộ

Ai cũng muốn tiến bộ nhanh, ai cũng muốn được nhìn thấy thành quả, và đặc biệt là những kết quả đong đếm được. Nhưng có một số người rất giống một người bạn của mình, thực sự nóng vội đến mức thiếu kiên trì. Cậu ta rất muốn Tiếng Anh của mình tiến bộ, đọc hết kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác, có account học Tiếng Anh ở một vài website (dính phải sai lầm mình đề cập ở bài viết trước), rồi thường xuyên “thử thách” tai nghe của mình với các bản tin chính trị.

Có lần cậu ấy hỏi cách tiến bộ về mặt reading vì thấy rằng vốn từ đang yếu và muốn cải thiện cả khả năng viết nữa, mình đã gửi cho bộ Goosebumps (các bạn có thể download ở đây), và bảo hãy đọc một vài tập. Truyện dành cho lứa tuổi 10-12 dân bản xứ sẽ rất tốt cho việc học từ vựng và quen với cách câu cú diễn đạt. Cậu ấy chỉ đọc được một vài trang và bỏ dở sau một hai tuần không thấy sự tiến bộ. Nhưng mình nhận ra có lẽ cậu ta thấy việc đọc sách như vậy nó không liên quan trực tiếp đến công việc chuyên môn là công nghệ thông tin. Đồng thời hàng ngày vẫn gửi cho mình những đoạn chat với đồng nghiệp mà cậu ấy chuẩn bị gửi đi nhờ mình sửa ngữ pháp.

Mình đã giải thích rằng, việc đọc như vậy nó không liên quan trực tiếp ngay nhưng lâu dài khả năng đọc và viết tổng quan sẽ nâng lên dần dần, gián tiếp nâng cao khả năng nghe nói và việc sử dụng Tiếng Anh trong công việc cũng sẽ tự được nâng cao. Quá trình tiến bộ sẽ không thể đóng đếm được, nó có thể kéo dài 3 tháng 6 tháng chưa thấy được nhiều, những với sự tích lũy hàng ngày thì đến một ngày tự mình sẽ cảm nhận được mình đã khác trước rất nhiều.

Nhưng dường như khi đưa ra lời khuyên này, trong nhóm bạn mình, không nhiều người thực hiện. Họ luôn mong có một cái gì đó nhanh, trực tiếp để tiến bộ. Học một áp dụng được một hai, học hai áp dụng được ba bốn nay vào công việc trong ngày một ngày hai. Rất tiếc tiếng anh không phải như toán để mọi người có thể làm như vậy.

Giải pháp: Đừng quá nôn nóng, hãy bình tĩnh tích lũy từng ngày, mỗi ngày tích lũy một chút, đừng cố gắng “đo” quá trình tiến bộ của mình hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Hãy kiên trì hàng ngày, đến một ngày bạn sẽ thấy mình tiến bộ hẳn.

Kết luận

Trong 2 phần của bài viết, mình đã chia sẻ những sai lầm khi học Tiếng Anh. Mình chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, hãy hành động thay vì ngồi nghiềm ngẫm. Ví dụ: nếu bạn luyện reading, chọn một quyển sách và hãy đọc hết nó, nếu bạn luyện listening, hãy chọn một bộ phim yêu thích rồi học theo nói. Mình sẽ viết các sử dụng phim để học Tiếng Anh ở bài viết tiếp theo (được gọi là Movie Tehnique). Đừng tốn thời gian là cà Youtube với những youtuber giỏi Tiếng Anh chia sẻ kinh nghiệm hay những video tiếng Anh tràn lan trên mạng. Tập trung vào một thứ thôi, thậm chí hãy ngắt Internet khi học Tiếng Anh. Mình biết nó có thể hơi buồn chán, nhưng chúng ta đang học chứ không giải trí. Hãy bắt tay rèn luyện. Chúc các bạn thành công!

Bấm vào đây để download bài học MentalStrength.

1 comment / Add your comment below

  1. Mỗi bài a chia sẻ thật bổ ích, việc học cx như khả năng giao tiếp của e đã cải thiện rất nhiều. mà giờ đây công việc đi làm lại k dùng đến nó, nhiều khi khoảng thời gian mình theo đuổi nó như điện dại đem lại nhiều nuối tiếc a ạ
    dù sao vẫn là một kỉ niệm thời trẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *