Tại sao nghe tiếng anh qua phim lại khó đến vậy?

bài viết trước mình có đề cập đến việc làm sao để học tiếng anh qua phim một cách hiệu quả. Và để nối tiếp chủ đề học tiếng anh qua phim ảnh, lần này mình sẽ đi phân tích tại sao nghe tiếng anh trong phim lại khó đến vậy. Qua đó giúp các bạn hiểu thêm và biết cách sử dụng phim để học tiếng anh sao cho hiệu quả.

Đầu tiên phải nói rằng nghe tiếng anh qua phim là khó, mình dám chắc ai học tiếng anh cũng biết điều này. Bản thân mình làm cho một công ty của Mỹ, có thể dễ dàng nói chuyện, trao đổi các vấn đề chuyên môn (mình làm IT), và chém gió cả những câu chuyện trong cuộc sống, nhưng khi xem phim thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tùy vào phim mà có thể nghe được nhiều hoặc ít, có những phim thì hầu như không nghe được gì, nhưng cơ bản là rất vất vả. Thậm chí có những người trình độ advanced cũng vẫn nói rằng nghe tiếng anh qua phim là khó. Vậy đâu là nguyên nhân?

Mình cũng đã Google vấn đề này, tìm đọc nhiều nguồn và kết hợp kinh nghiệm của bản thân để rút ra được những điều như sau. Và mình tin đây là những vấn đề cốt lõi lý giải vì sao xem phim lại khó đến vậy.

1. Nhiều tạp âm

Đây có lẽ là điều đương nhiên trong các bộ phim, đặc biệt là các bộ phim hành động. Lời thoại tiếng Anh luôn đi kèm những âm thanh như tiếng rú ga của động cơ ô tô hay trực thăng, tiếng súng. Hoặc đơn giản là có tiếng nhạc nền cũng đủ làm cho lời thoại bị át đi. Hay đơn giản hơn là khi bạn nghe một bài hát, nếu đó là bài hát với giai điệu êm đềm và từ tốn nhẹ nhàng, bạn sẽ nghe dễ dàng hơn rất nhiều so với những bài hát có nhạc nền xập xình bốc lửa như rock. Rap thì khỏi nói rồi, nói như tên bắn, đến tiếng Việt mình còn chả nghe nổi.

2. Giọng nói của diễn viên

Trong rất nhiều phim thể loại hồi hộp, hoặc hành động, giọng nói của diễn viên có nhiều lúc nói khá nhỏ, lẩm bẩm trong mồm hoặc nói lí nhí, hoặc tông giọng thì khá là trầm. Bạn hãy thử nghe đoạn hội thoại dưới đây. Thực sự là quá khó nghe, đặc biệt là nhân vật tóc dài kia.

Và giờ thì vẫn là con người đó nhưng giọng nói thì dễ nghe hơn rất nhiều.

Clip phỏng vấn trên thì cũng không phải quá dễ nghe để hiểu nội dung nhưng ít nhất giọng của diễn viên đã rõ ràng rành mạch hơn rất nhiều.

Có thể thấy lời thoại trong phim khác khá nhiều so với ngoài đời. Nhằm diễn tả nội dung câu chuyện, giọng nói của diễn viên có thể nhanh hơn, trầm hơn, hoặc tông giọng cao hơn khi la hét, khóc vì đau khổ hay vui sướng tột độ. Thực tế người dân bản xứ cũng không thể nghe được rõ ràng lời thoại trong những tình huống như vậy, nhưng vì đó là tiếng mẹ đẻ của họ, họ quá quen thuộc với những câu nói như vậy nên họ chỉ cần nghe lướt là có thể nắm bắt được lời thoại. Thực tế, ngôn ngữ mà mình thành thạo nhất chính là ngôn ngữ mình thuộc nhiều câu nói và cụm từ nhất, cũng giống tiếng Việt của mình thôi. Rất rất nhiều câu nói hay lối diễn đạt đã ăn sâu vào não, và chỉ cần nghe loáng thoáng, thậm chí chưa hết câu mình đã biết người khác định nói gì rồi. Mọi người có thể kiểm tra những gì mình nói vừa rồi với clip dưới đây.

3. Giọng địa phương

Cái này thì không chỉ trong phim, bạn có thể bắt gặp giọng địa phương ở rất nhiều nơi trừ …trường học. Khi học trong trường thì mình sẽ luôn được học giọng tiếng Anh chuẩn dù là Anh – Anh hay Anh – Mỹ, Anh – Úc. Nhưng trong cuộc sống thì giọng địa phương rất là nhiều, cá nhân mình thấy tiếng Anh – Anh là lắm giọng địa phương nhất, và nghe cũng khó nhất. Bạn hãy thử nghe giọng nói của Alex Ferguson – cựu huấn luyện viên của Manchester United sẽ thấy, một chất giọng Anh pha Scotland rất khó nghe. Clip có phụ đề, ngay cả khi bạn bật phụ đề lên thì vẫn cảm thấy khó nghe luôn. Nó rất khác với giọng Standard British (hay còn gọi là Received Pronunciation) mà các bạn nghe trong bài thi IELTS.

Đây là vấn đề không thể giải quyết được, tuy nhiên bản thân những người nói giọng địa phương họ cũng sẽ tự điều chỉnh được. Mình từng xem vài clip phỏng vấn David Beckham. Khi Beckham nói chuyện với người dân bản xứ, anh ta nói với chất giọng vùng Manchester khá khó nghe, nhưng khi anh ta sang Việt Nam, mình lại thấy Becks nói giọng gần với giọng chuẩn Anh – Anh hơn nhiều, và anh ấy cũng nói chậm và rõ ràng hơn.

4. Nội dung mang nặng văn hóa địa phương

Bên cạnh giọng nói đặc trưng vùng miền, nhiều phim có nội dung còn mang nặng văn hóa địa phương. Ví dụ nhưng câu thoại hài hước được liên hệ tới những vấn đề lịch sử, hay những sự kiện đang diễn ra tại khu vực đó. Với những người sống ở vùng đó và biết rõ những gì đang diễn ra, họ mới có thể hiểu được tại sao nó lại hài hước.

Với những người không bản bản xứ, khi nghe những lời thoại như vậy, hoàn toàn có thể không nghe ra được gì. Thậm chí nếu lời thoại với vốn từ đơn giản, bạn có nghe được từng từ cũng không thể hiểu nổi ý mà diễn viên đang muốn truyền tải đến.

5. Nội dung không nằm trong phạm vi kiến thức của mình

Vấn đề này cũng hơi giống với việc nội dung mang nặng văn hóa địa phương. Nhưng ở đây, nội dung cơ bản không bị đặc thù đến vậy mà chỉ đơn giản là trong phim lời thoại sử dụng những từ vựng mà mình không biết ví dụ như khoa học kĩ thuật, sinh học hay địa lý. Về cơ bản, từ vựng vẫn sẽ là những từ phổ thông, không phải chuyên sâu, nhưng kể cả vậy, người không phải bản xứ đâu có học 12 năm học bằng tiếng anh để học những môn như sinh học hay địa lý. Vốn từ không thể nhiều như người dân bản xứ được.

Mình từng xem những phim khoa học viễn tưởng, thực sự nhiều từ vựng rất lạ, cộng thêm việc diễn viên nói nhanh, có thêm các tạp âm như tiếng động cơ tàu vũ trụ, gần như mình không thể nghe ra được gì cả.

Kết luận

Có thể thấy, việc nghe tiếng anh qua phim là khó hơn rất nhiều so với việc bạn nghe các audio bình thường bởi ở nhiều phim bạn đang nghe trong điều kiện “không bình thường”. Nếu bạn nói chuyện trực tiếp với người dân bản xứ, dù là mặt đối mặt hay qua điện thoại thì nó thực sự dễ hơn rất nhiều. Và với một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ thì có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ nghe hiểu 100% các bộ phim nếu như chưa từng sinh sống ở nước nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ một thời gian tương đối dài.

Tuy nhiên mục đích của việc học ngoại ngữ là để kết nối mọi người nên mình nghĩ cũng không cần đặt nặng vấn đề này quá. Việc nghe tiếng anh qua phim cũng vẫn là tốt để rèn luyện khả năng nghe nói của mình. Qua bài viết này mình chỉ muốn nhắc lại một điều, mà mình đã từng nói ở bài viết trước. Đó là khi chọn bộ phim để học, các bạn hãy chọn những bộ phim tâm lý xã hội, phim nói về cuộc sống, gia đình, trường học. Nó sẽ dễ hơn và sát với cuộc sống hơn.

Một lần nữa chúc các bạn học tốt.

Nguồn ảnh: Image by Freepik.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *