Dự án Open Source kiếm tiền bằng cách nào?

Với nhiều công ty, mã nguồn được phát triển private và không được public ra ngoài. Và phần mềm được phát triển trên mã nguồn đó hầu như sẽ được bán cho người dùng để sinh lời, có thể theo dạng trả tiền một lần, hoặc cũng có thể theo dạng license trả phí hàng năm. Tuy nhiên với dự án open source thì khác, mã nguồn đã được public và hầu như phần mềm phát triển dựa trên nó đều miễn phí, vậy nếu công ty phát triển mã nguồn mở, họ sẽ kiếm tiền từ đâu. Ý tưởng của open source chính là việc mã nguồn được công khai để ai có khả năng cũng có thể đóng góp. Tuy nhiên lập trình viên không phải ai cũng lập trình cho vui và không đòi hỏi quyền lợi, đó chắc chắn là số ít, vậy dự án open source có lợi ích gì về mặt kinh tế không, mình sẽ làm rõ vấn đề hơn trong bài viết này.

Các cách kiếm tiền từ Open Source

Trước hết phải khẳng định, lập trình là một nghề và lập trình viên đi làm vì tiền, ngoại trừ một số ít làm vì đam mê hay có chút thời gian rảnh rỗi sẽ dành chút thời gian đóng góp vào open source. Tuy nhiên nếu vậy thì cộng đồng mã nguồn mở sẽ không lớn mạnh trên thế giới như hiện nay. Trên thực tế, có khá nhiều cách kiếm tiền từ dự án open source. Và lập trình viên vẫn kiếm được tiền hoặc được trả tiền để maintain các dự án đó.

Cách đầu tiên chính là viết sách, hay làm các tutorial có tính phí để hướng dẫn về công nghệ đó. Một công nghệ dù mã nguồn đóng hay mở thì muốn có lợi nhuận từ nó phải được ứng dụng rộng rãi, có nhiều công ty sử dụng, và nhu cầu học tập và làm việc về công nghệ đó sẽ nhiều. Khi đó chính những người đóng góp nhiều công sức phát triển mã nguồn sẽ hiểu rõ về công nghệ đó và họ có thể viết sách, làm các video giảng dạy về công nghệ, hoặc thậm chí cung cấp các dịch vụ hỗ trợ có tính phí.

Đôi khi dự án open source có thể được tài trợ bởi một tổ chức bởi tổ chức đó thấy được lợi ích từ dự án này. Không khó để thấy một vài phần mềm mã nguồn mở hay đi kèm quảng cáo hay thậm chí lúc cài đặt thì mặc định sẽ cài thêm một phầm mềm khác đi kèm. Ví dụ như trình duyệt mã nguồn mở Firefox của Mozilla, khi bạn cài đặt xong, thì Search Engine mặc định sẽ là Google Search. Liệu có phải những người phát triển trình duyệt Firefox nghĩ rằng Google Search đang là tốt nhất hiện nay? Thực sự Google đang là số 1 trong mảng tìm kiếm, nhưng có lẽ lý do chính Mozilla đặt Google Search là công cụ tìm kiếm mặc định đến từ việc Google đã trả tiền cho Mozilla. Sẽ không ngạc nhiên nếu đến một ngày một công ty khác trả tiền nhiều hơn và ta sẽ thấy công cụ search mặc định lúc mới cài Firefox là của một hãng khác.

Một trường hợp khác, đó là một công ty phát triển các dự án thương mại nhưng trong đó có sử dụng công nghệ từ dự án mã nguồn mở. Khi đó công ty đó sẽ dành nhiều sự quan tâm tới dự án nguồn mở đó và đôi khi cho đội ngũ của mình trực tiếp đóng góp vào dự án để đôi bên cùng phát triển. Vì cũng có những lúc, các feature của dự án nguồn mở kia chưa đầy đủ hoặc chưa thỏa mãn hết được nhu cầu để có thể tích hợp vào giải pháp của mình, tự mình đóng góp trực tiếp sẽ là cách tốt nhất.

Ngoài ra, một công ty có thể public một phần dự án của mình từ mã nguồn đóng sang mã nguồn mở. Có thể đó không phải là dự án trọng tâm của công ty, hoặc cũng có thể dự án đó được dùng vào mục đích quảng cáo. Cũng có thể công ty muốn tranh thủ sự đóng góp của cộng đồng bên ngoài. Mình đã từng làm một dự án như vậy. Công ty mình phát triển CMS, và bán license cho các partner để các partner phát triển web cho khách hàng. Mã nguồn CMS là mã nguồn đóng, CMS là phần mềm thương mại, còn công ty phát triển một dự án nguồn mở, dự án này ngoài việc nhằm mục đích quảng cáo cho CMS ra thì đồng thời cũng là một template chuẩn cho các partner hoặc các lập trình viên học và làm việc trên đó.

Một cách kiếm tiền khác cũng rất phổ biến từ open source đó là các công ty sẽ công khai mã nguồn sản phẩm và cho người dùng sử dụng miễn phí nhưng sẽ có phiên bản pro thì mã nguồn đóng và thu tiền từ đó. Hoặc cũng có thể công nghệ đó là open source hoàn toàn nhưng bán các gói training và support cho công nghệ đó. Một ví dụ cho trường hợp này có thể kể đến Umbraco.

Umbraco CMS là open source và bản basic của họ là miễn phí, tuy nhiên sẽ có nhiều gói trả phí đi kèm

Tác động của Open Source tới sự nghiệp của người làm công nghệ

Vậy open source có vai trò và tác động thế nào tới sự nghiệp của người làm công nghệ? Nếu bạn đang trực tiếp làm việc với dự án open source, có hai khả năng, một là dự án không thành công, công ty có thể sẽ cắt giảm vị trí của bạn, hai là dự án thành công và bạn có nhiều cơ hội rộng mở, đặc biệt nếu bạn đóng góp nhiều cho dự án, bạn sẽ là người nắm rõ công nghệ đó hơn ai hết. Còn nếu bạn đang lựa chọn công nghệ từ dự án open source làm một phần của cho dự án thương mại của bạn, hãy chú ý tới mức độ phổ cập và khả năng phát triển của dự án đó, không ai muốn một ngày tự nhiên dự án open source bị dừng hỗ trợ và không còn các bản cập nhật. Nó sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển phần mềm của bạn và có thể cả sự nghiệp của bạn nữa. Tuy vậy, nếu dự án open source dừng hỗ trợ và cập nhật, công ty vẫn có thể tiếp tục sử dụng mã nguồn để phát triển mặc dù việc này sẽ tốn khá nhiều thời gian và chi phí.

Như vậy trong bài viết này, mình đã đề cập đến một số cách thức sinh lời từ dự án open source đồng thời đề cập tới những tác động tới sự nghiệp của người làm công nghệ. Cá nhân mình nhận thấy thì cộng đồng mã nguồn mở ở Việt Nam thì không quá lớn, trong bối cảnh ngành out sourcing chiếm tỉ lệ chủ yếu thì mọi người chủ yếu làm thuê cho các công ty, do vậy sức ảnh hưởng từ open source cũng không nhiều, và những đóng góp từ cộng đồng cũng nhỏ lẻ. Qua bài viết này, mình chỉ muốn chia sẻ thêm một góc nhìn kinh tế cho lĩnh vực này. Còn biết đâu trong tương lai, cộng đồng open source sẽ ngày càng phát triển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *