Hồi rất lâu rồi mình có đề cập đến việc làm sao xem phim mà không cần phụ đề ở bài viết này. Bài viết này cũng đã khá lâu, và chủ yếu chém gió về Effortless English là chính. Đến nay cũng đã gần 10 năm, mình cũng đã có cái nhìn toàn cảnh hơn và cả kinh nghiệm thực tiễn mình áp dụng nữa. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc học tiếng anh qua phim sao cho hiệu quả nhất.
Thực tế việc xem phim mà không cần phụ đề thì vẫn luôn là khó, và nó còn phụ thuộc vào phim đó là gì. Tuy nhiên nếu đặt vấn đề nhẹ nhàng hơn là mình không cần phải nghe được hay hiểu được 100% thì mình nghĩ rèn luyện tốt thì cũng có thể làm được. Tất nhiên khi học theo phim thì ngoài việc giúp mình xem phim tốt hơn thì quan trọng hơn vẫn là tăng cường khả năng sử dụng tiếng anh trong cuộc sống.
Cách học của mình thì được kết hợp bởi 2 phương pháp, Dictation của Coach Shane và Movie Technique của A.J Hoge. Bản thân mình học Effortless English trước tầm 3, 4 năm gì đó sau đó mới học theo phương pháp Dictation (chép chính tả) của Coach Shane tầm hơn 2 năm sau đó. Thực sự mình đánh giá 2 phương pháp này thực sự vô cùng hiệu quả. Và khi bạn kết hợp 2 phương pháp này thì khả năng nghe nói đọc viết của bạn tăng lên vô cùng đáng kể.
Mình biết rất nhiều bạn học tiếng anh bằng cách liên tục xem phim với phụ đề được bật (hoặc là không). Nhưng thực tế cách học đó không hề hiệu quả, hoặc hiệu quả rất thấp. Mọi thứ trôi qua quá nhanh và không đọng lại trong đầu nhiều, quan trong hơn bạn không rèn luyện nhiều được kỹ năng nói. Để không mất thời gian, mình sẽ đi thẳng vào các step mà mình làm khi học tiếng anh qua phim.
Bước 0: Chọn phim và xem một lượt
Mình gọi đây là bước 0 bởi đây là bước để bạn chuẩn bị. Thực tế để học tiếng anh qua phim, bạn cần phải chọn những bộ phim thích hợp. Bạn nên chọn những bộ phim có nhiều lời thoại và lời thoại nên gắn liền với cuộc sống. Phim hành động hay phim ma thường sử dụng vốn từ khá ít ỏi, thậm ít có những phim ít lời thoại. Phim khoa học viễn tưởng thì thường có nhiều vốn từ khó hiểu và tính hữu dụng ít. Mình recommend những phim về cuộc sống, xã hội, gia đình, công việc. Những phim này thường lời thoại rất nhiều và gắn liền với cuộc sống, nên bạn sẽ học được những câu nói thường ngày.
Vì mình cũng dựa vào phim để luyện nói luôn, nên việc chọn phim Mỹ hay phim Anh cũng khá quan trọng. Một số bạn thích giọng Anh Anh thì hay chọn phim của nước Anh, còn nếu bạn luyện theo giọng Mỹ thì hãy chọn các bộ phim của Hollywood. Hoặc một số bạn sẽ chọn tiếng Anh Úc, điều này hoàn toàn do bạn chọn lựa.
Bạn không cần chọn một bộ phim mới toanh, bạn hoàn toàn có thể sử dụng một bộ phim bạn đã xem mà bạn yêu thích và tâm đắc nhất. Điều này khá quan trọng bởi bạn sẽ học theo kiểu deep learning của phương pháp Effortless English. Nếu mà phim chán, bạn sẽ không thể học theo lâu dài. Nếu đó là một bộ phim mới toanh, bạn cũng nên xem một lượt để nắm nội dung trước. Quan trọng hơn là bạn biết rồi thì lúc học sẽ không vội vã trong việc xem tiếp nữa. Vì chúng ta sẽ chia nhỏ bộ phim để học dần dần.
Đợt vừa rồi mình đã học xong phim The Boss Baby theo đúng phương pháp này. Mình chọn bộ phim này bởi trong thời điểm hiện tại mình muốn tăng lượng từ vựng về trẻ con và cả công việc.
Nguồn ảnh: imdb.com
Bước 1: Chọn 1 scene để chép chính tả
Một scene có thể hiểu là một cảnh quay với một bối cảnh nhất định, hoặc một cuộc hội thoại nhất định. Một scene thường chỉ rơi vào khoảng 2 đến 5 phút. Thi thoảng, nếu scene đó dài quá bạn có thể chia nhỏ nó ra, hoặc kết hợp thêm 1 scene tiếp theo nếu scene quá ngắn. Với mình thì mình cứ chia đều bộ phim ra từng đoạn 5 phút để luyện dần.
Sau khi chọn xong, mình sẽ bắt đầu nghe, pause lại rồi chép chính tả. Bạn hãy cố gắng chép được nhiều nhất những gì bạn nghe được. Cố gắng chép đúng đến những từ viết tắt như I’d, I’ve, hay he’d, he’ll, hay cả số nhiều của từ, apple sẽ hoàn toàn khác với apples. Điều này không chỉ giúp bạn nghe tốt hơn mà còn giúp bạn tư duy bằng tiếng anh tốt hơn. Bây giờ bạn có thể tìm các video dạy cách phát âm những từ tắt như he’d, I’d trên youtube. Chẳng hạn như sau: he’d pronunciation – YouTube.
Mình thì cực kì phản đối việc nghe mà chỉ bắt keyword. Đây là cách mà giáo viên rất hay dạy học sinh. Việc nghe bắt keyword giúp bạn có thể nhanh chóng hiểu được nội dung, nhưng bạn sẽ tư duy bằng tiếng việt. Đó là chưa kể nếu bạn chỉ nghe được từng từ đơn lẻ ngắt quãng thế thì làm sao bạn có thể nói trôi chảy được, bạn sẽ nói kiểu tiếng anh bồi bằng những từ rời rạc giống như lúc bạn tập nghe. Vì vậy mình thấy việc chép ra tỉ mẩn đến từng chữ như vậy giúp mình rèn luyện tư duy tiếng anh rất tốt. Từ đó khả năng nói lưu loát được cải thiện lên một “tầm cao mới”.
Mình thì thường nghe từng câu rồi pause và chép, mỗi câu tối đa nghe đến lần thứ 3. Sau đó thì thôi và chép tiếp đến khi hết sence. Mình thấy không cần phải cố quá.
Bước 2: Hiểu hết nội dung của scene
Sau khi chép xong scene đó rồi thì bạn kiểm tra bằng subtitle của phim. Bạn check lại và bổ sung những phần mình còn thiếu, tự sửa lại những chỗ mình làm sai. Sau đó bạn gạch chân những từ mới, và tra từ điển. Đôi khi bạn sẽ cần tra cả cụm từ bởi đó là những thành ngữ (idiom) hoặc cụm từ lóng (slang). Với cụm từ này bạn có thể cần copy cả cụm từ lên Google để tra.
Tóm lại bạn sẽ tìm mọi cách để hiểu hoàn toàn script, kết hợp với hoàn cảnh bộ phim thì bạn sẽ hiểu 100% những gì đang diễn ra.
Bước 3: Phân tích phát âm các câu trong sence
Sau khi hiểu hết nội dung, giờ là lúc bạn gác nội dung sang 1 bên và tập trung vào phát âm. Tiếng anh trong phim hay ngoài đời thực sẽ rất khác với những gì bạn nghe trong bài học. Nó nhanh hơn rất nhiều và cách phát âm cũng rất khác. Hiện tượng nối âm, nuốt âm xảy ra liên tục.
Bạn tập nghe kĩ từng câu, rồi pause lại phân tích xem chỗ nào nối âm và chỗ nào thì nuốt âm. Ví dụ câu hỏi: Is he okay? Hầu hết trong phim sẽ được phát âm thành Izzy okay. Với âm s biến thành z nối vào âm he, đồng thời âm h là âm yếu sẽ bị âm s đè mất. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ trong việc nối âm và nuốt âm trong phim.
Sau đó bạn có thể để ý đánh dấu những chỗ những từ được phát âm to hơn những chỗ còn lại. Thường những từ mang theo nội dung thì sẽ phát âm to hơn những từ mang tính ngữ pháp. Ví dụ: What are you doing? Thì bạn sẽ nghe rõ những từ như What, you, và do. những từ như are hay thậm chí đuôi ing cũng bị phát âm nhỏ lại.
Ngoài ra bạn hãy để ý đến việc cách sử dụng các thì trong tiếng anh. Người dân bản xứ sử dụng một cách tự nhiên, không có chú trọng đến ngữ pháp mà dựa vào “cảm giác” hoặc “bản năng”. Thực tế việc bạn chép lại rồi phân tích để ý như thế này mục đích cũng là tăng cảm giác sử dụng ngôn ngữ cho mình.
Sau khi phân tích kĩ càng mọi góc cạnh, bạn có thể tua đi tua lại để nghe vài lần, dần dần bạn sẽ hiểu được cách phát âm thực sự trong tiếng anh đồng thời lấy có được cảm giác ngữ pháp một cách tự nhiên, khi nào nên dùng ngữ pháp thế nọ thế kia.
Bước 4: Tập nói theo scene đó
Các bước trên thì học sẽ khá nhanh. Đến đây là phần Deep Learning theo phương pháp Effortless English, học 1 tuần, luyện theo cái phát âm mà mình phân tích trước đó. Trước tiên bạn sẽ bật phụ đề, chờ nói 1 câu, mình pause lại tập nói theo. Bạn hãy cố bắt chước mọi thứ, chỗ nào nối âm mình cũng sẽ nối âm theo, rồi các chỗ nuốt âm, lên xuống, to nhỏ. Do mình đã đánh dấu và phân tích ở bước trước nên việc bắt chước theo cũng sẽ dễ dàng hơn.
Mình gặp khá nhiều bạn phát âm khá tốt lúc đọc chữ, nhưng khi nói mà phải nghĩ nội dung thì lại kém hơn nhiều. Đó cũng là điều tự nhiên, nhưng mình sẽ luyện tập để tiến bộ hơn. Ví dụ như có những bạn đọc câu sau: I went to the store to buy three phones yesterday. Đọc vào phần mềm chấm điểm thì 9/10. Nhưng khi phải nghĩ nội dung để nói thì nói ra không đượt mượt như vậy nữa: I go… to… store to buy three phone… yesterday. Ngoài việc không thể trôi chảy như lúc đọc, thì khi nói bị lỗi sơ đẳng như không chia quá khứ cho go hay three phone bị thiếu s.
Mình cũng bị như vậy, đó cũng là lý do mình dùng phim để luyện nói. Thực tế với những ai nói ngôn ngữ không có chia động từ hay không có số nhiều như tiếng Việt hay tiếng Trung Quốc thì việc quên s ở cuối từ là điều khá bình thường và phổ biến. Giải pháp của mình như nói ở bước trước đó là ngồi phân tích đoạn hội thoại, thì đến bước này khi luyện nói thì tập nói to và để ý nói âm s ở cuối. Bạn tập nói đi nói lại các câu nói trong một scene, mỗi ngày tập 10-15 phút bước này trong 1 tuần, nếu ngày 2-3 lần thì chỉ cần 3 4 ngày. Dần dần bạn thực hành nhiều thì nói đúng ngữ pháp sẽ trở thành bản năng.
Lúc đầu bạn bật phụ đề để luyện, sau vài lần hoặc khi bạn cảm thân tự tin không cần phụ đề nữa, bạn hãy tắt phụ đề và chỉ pause và nói theo sau đó. Lúc này không có sub nữa nhưng bạn hãy nhớ, vẫn theo tiêu chí đã nói là nói đúng đến chia động từ hay có s cho số nhiều đằng sau, hoặc phát ra âm t ở cuối động từ nếu là quá khứ.
Đây là bước rất quan trọng để bạn nói thành thạo vậy nên hãy dành nhiều thời gian cho nó.
Bước 5: Lặp lại bước 1
Sau khi thành thạo scene vừa rồi, giờ sẽ đến lúc chuyển sang scene tiếp theo. Các bạn sẽ lặp lại từ bước 1 đến bước 4. Tất nhiên với mỗi scene thì sẽ có thời lượng thoại ít hơn hay nhiều hơn, các bạn tự linh động trong việc thực hành ít hay nhiều ở mỗi scene sao cho hiệu quả.
Kết luận
Trong bài viết này, mình đã chia sẻ các bạn cách học tiếng anh qua phim hiệu quả. Điều quan trọng nhất là bạn đừng vội vã trong việc chuyển sang scene khác, hãy học cho đến khi mình hiểu thực sự kĩ càng, nói thành thạo lời thoại của scene đó. Có thể bạn sẽ thấy rất lâu mình mới xong một bộ phim, hoặc có những lúc bạn thấy chán, đó là điều bình thường, hãy hít thở sâu để lấy lại tinh thần. Hãy nhớ rằng đây là lúc mình đang học, không phải giải trí.
Mình dám chắc rằng sau tầm 5-6 tháng, khả năng nói của bạn sẽ tiến bộ bất ngờ. Bạn sẽ tiến bộ về mặt phát âm lẫn độ lưu loát khi nói. Để nói như người bản xứ chỉ nhờ xem phim mình nghĩ là không thể, nhưng đủ lưu loát và đủ tự tin sử dụng tiếng anh trong công việc và cuộc sống thì có thể. Mình đã luyện và được như vậy, bạn cũng sẽ như thế. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay, vậy nên bạn hãy chọn một bộ phim mình yêu thích và học nào!